Quả mơ còn có tên gọi khác là mai tử… có vị chua, tính bình. Ngoài ra, tùy thuộc vào việc chế biến quả mơ thì nó sẽ mang những tên gọi khác nhau như: Mơ xanh gọi là thanh mai, khi ngâm rượu gọi là thanh mai tửu. Mơ muối gọi là diêm mai hay bạch mai.
Công dụng của quả mơ
Quả mơ cung cấp nhiều vitamin, chất lỏng và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Trung bình 70 gram mơ (tương đương 2 quả) có thể cung cấp các thành phần dinh dưỡng như: Kali: 4% nhu cầu hàng ngày, Vitamin E: 4%, Vitamin C: 8%, Calo: 34 Kcal, Carbs: 8g, Vitamin A: 8%, chất xơ: 1.5g, chất béo: 0.27g, Protein: 1g
Bên cạnh đó, quả mơ còn cung cấp các hợp chất thực vật có tác dụng chống Oxy hóa như lutein, Beta-carotene và Zeaxanthin. Ngoài ra còn có một số công tuyệt vời khác như: Tăng cường sức đề kháng, giúp sáng mắt, hỗ trợ làn da căng mịn, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe đường ruột, giúp xương chắc khỏe,…
Các bài thuốc dân gian từ quả mơ
Chữa ho lâu ngày: Bạch mai 20g, cát cánh 10g, mạch môn 10g, cam thảo 5g, trần bì 10g, hoàng kỳ 20g, 2 bát nước sắc còn 1/2 bát, chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa đau dạ dày: Nước cất hạt mơ có tác dụng chữa ho, khó thở, nôn mửa, đặc biệt chữa trị đau dạ dày. Loại thuốc này có chứa lượng độc tính nhất định nên mỗi lần chỉ được dùng 0,5 – 2 ml, mỗi ngày không uống quá 6 ml.
Chữa khát nước: Chuẩn bị 2 – 3 quả ô mai. Đem đổ nước vào và đun sôi trong 15 phút. Dùng nước này uống thay nước lọc thông thường.
Giải rượu: Dùng mơ nấu với trà uống (rất hay).
Chữa răng đau nhức: Quả mơ chín giã nát đắp vào răng.
Trên đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ quả mơ bạn có thể tham khảo để áp dụng. Tuy nhiên cần lưu ý một số điều sau:
- Không nên sử dụng quá nhiều vì mơ có tính ấm, nếu ăn quả mơ tươi nhiều sẽ gây nóng, nhiệt, hại răng.
- Phần lớn các chất chống Oxy hóa đều tập trung ở vỏ mơ. Vì vậy bạn nên ngâm rửa sạch và nên ăn cả vỏ.
- Hạt mơ có chứa Amygdalin. Khi vào cơ thể, hoạt chất này sẽ chuyển sang dạng Xyanua – một chất độc có thể gây chết người. Vì vậy bạn nên bỏ hạt mơ khi ép lấy nước hoặc xay sinh tố.